Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Vẫn còn giải pháp chính trị cho xung đột ở Xy-ri

Chuyến ngoại giao con thoi cuối cùng trong năm 2012 của đặc phái viên LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) L.Bra-hi-mi tuy không đạt kết quả đột phá, nhưng đã nhen lên hy vọng mới về giải pháp cho cuộc xung đột ở Xy-ri. Ông Bra-hi-mi tin rằng, sự nhượng bộ của các bên xung đột sẽ bảo đảm đạt được một giải pháp chính trị trong nửa đầu năm 2013.

Chuyến công du Đa-mát lần thứ ba của đặc phái viên Bra-hi-mi kể từ khi ông nhận nhiệm vụ trung gian hòa giải xung đột tại Xy-ri được kỳ vọng tạo sự đột phá, khi ông mang tới một bản kế hoạch hòa bình mới. Cốt lõi của bản kế hoạch này là việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp (chuyển giao quyền lực) với sự tham gia của cả hai phe: Chính quyền Tổng thống A.Át-xát và Liên minh quốc gia đối lập ở Xy-ri. Điều quan trọng là, quá trình chuyển tiếp này không được phép dẫn đến sụp đổ nhà nước hoặc các thiết chế chính trị hiện nay, và sẽ kết thúc khi các cuộc bầu cử (tổng thống và quốc hội) có thể được tiến hành. Bản thân ông Át-xát có thể tiếp tục nắm quyền tới hết nhiệm kỳ (kết thúc năm 2014), nhưng sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử sau đó.

Nhìn vào nội dung sáng kiến của ông Bra-hi-mi, có vẻ đây là bản kế hoạch hoàn hảo, bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên xung đột ở Xy-ri. Vì thế, dư luận đồn đoán rằng nó đã được cả Nga và Mỹ ủng hộ. Nhất là với Nga, khi dư luận gần đây cho rằng Mát-xcơ-va có sự chuyển biến lập trường, từ một Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ ba lần phủ quyết trừng phạt Xy-ri, từ ủng hộ chính quyền Đa-mát chuyển sang cân nhắc những phương án "hậu Át-xát". Thậm chí, có tin đồn rằng Nga và Mỹ đã tham khảo lẫn nhau về chính phủ chuyển giao quyền lực ở Xy-ri nếu được thành lập.

Tất nhiên, Nga phủ nhận mọi đồn đoán về sự "đồng thuận" giữa Mát-xcơ-va với Oa-sinh-tơn liên quan Xy-ri. Đến nay, Nga luôn khẳng định không ủng hộ bên nào trong cuộc xung đột ở Xy-ri, cũng như bác bỏ mọi kế hoạch nào trù tính can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này. Mát-xcơ-va kêu gọi giải quyết khủng hoảng Xy-ri phải xuất phát từ quan điểm lợi ích của Xy-ri cũng như ổn định của toàn khu vực Trung Đông; không xúi giục bên nào và cũng không áp đặt bất cứ điều kiện tiên quyết nào với cả hai bên xung đột. Tại các cuộc gặp phái đoàn Chính phủ Xy-ri, hay thảo luận với đặc phái viên Bra-hi-mi, phía Nga luôn quả quyết đàm phán là lựa chọn duy nhất cho Xy-ri. Mát-xcơ-va cũng giục Tổng thống Át-xát sớm có bước cụ thể hóa cam kết "sẵn sàng đàm phán với phe đối lập".

Trước khi rời Đa-mát, đặc phái viên Bra-hi-mi lo ngại cảnh báo tình hình tại Xy-ri vẫn rất căng thẳng, đối đầu leo thang, nhưng ông cũng khẳng định vẫn còn cơ hội cho một giải pháp chính trị ở Xy-ri, tùy thuộc sự nhượng bộ của các bên tham chiến. Tuyên bố này chỉ rõ trở ngại hàng đầu hiện nay chính là thái độ cương quyết không nhượng bộ của các bên đối đầu tại Xy-ri. Nếu đúng như tin đồn có sự "nhất trí" giữa Nga và Mỹ, kịch bản hòa giải của ông Bra-hi-mi vẫn gặp trở ngại từ chính những người trong cuộc. Mặc dù khẳng định sẵn sàng hòa giải vì lợi ích chung của người dân, nhưng chính quyền Đa-mát vẫn coi lực lượng đối lập là phần tử khủng bố được nước ngoài "chống lưng" tìm cách hủy hoại đất nước, vì thế không có tư cách tham gia chính phủ liên hiệp. Còn liên minh tập hợp các lực lượng đối lập vừa được nhiều nước phương Tây công nhận lại từ chối mọi giải pháp có sự góp mặt của ông Át-xát. Mục tiêu của lực lượng này là lật đổ chế độ Át-xát, nên từ chối đối thoại với bất kỳ thành viên nào trong chính quyền Đa-mát hiện nay.

Rõ ràng, với cách tiếp cận như vậy, tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn và mọi giải pháp hòa giải đều không thể tới đích. Vì thế, nói như Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp, điều cộng đồng quốc tế cần làm không phải là đứng về bên nào trong cuộc khủng hoảng, mà là thức tỉnh họ tự nhận thức và giải quyết xung đột bằng đàm phán hòa bình. Đặc phái viên Bra-hi-mi cũng khẳng định, từ bỏ một giải pháp chính trị chỉ khiến xung đột thêm khốc liệt; nếu không biện pháp hòa bình nào được chấp thuận, xung đột Xy-ri sẽ đánh đổi bằng mất ổn định của cả khu vực. Và kế hoạch hòa bình mới của ông Bra-hi-mi ít nhất cũng là một trong những lựa chọn để người Xy-ri tự quyết định vận mệnh đất nước mình, trong bối cảnh mỗi ngày qua đi cơ hội khởi đầu một tiến trình chính trị, hòa giải dân tộc càng trở nên xa vời.


Nguồn: www.nhandan.org.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét