Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Từ giải pháp đến hành động

L.T.S: Thủ tướng Chính phủ vừa phát đi thông điệp đầu năm, trong đó nêu bật 6 giải pháp trọng tâm để đưa đất nước vượt qua khó khăn, phát triển bền vững. Làm thế nào để hiện thực hóa những giải pháp đó? Qua Báo Người Lao Động, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp cùng bàn luận.

Đánh giá lại khối FDI

Đặt vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế song song với giải quyết nợ xấu là rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay

Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ với 6 giải pháp trọng tâm như vậy là rõ ràng và đúng đắn, trong đó Thủ tướng có nhận định: “Doanh nghiệp Nhà nước cũng đang chiếm tỉ trọng lớn trong tổng mức tín dụng của nền kinh tế, có tỉ lệ nợ xấu khá cao trong tổng nợ xấu của các ngân hàng thương mại”.



Biểu đồ về nhập siêu và tăng trưởng GDP (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Hiện có thông tin đã chuẩn bị phương án giải quyết nợ xấu. Theo đó, Nhà nước sẽ thành lập công ty mua bán nợ để mua lại khối nợ xấu đó. Vấn đề đặt ra là lấy tiền đâu để mua lại nợ và nhận về mớ tài sản tồn đọng? Vậy là hoặc phải vay nợ hoặc phải in tiền và phía thiệt thòi vẫn là Nhà nước, tức là người dân (đóng thuế), còn phía được hưởng lợi nhiều nhất là ngân hàng.
Vẫn chưa chắc các doanh nghiệp trong nước có thể tiếp cận được nguồn vốn bởi những quy định ngặt nghèo của ngân hàng và phần nào là do nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Cho nên, đặt vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế song song với giải quyết nợ xấu là rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của đất nước.

Xin có một cảnh báo về tái cấu trúc nền kinh tế như sau: Công bố của Tổng cục Thống kê về xuất nhập khẩu cho thấy tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2012 đạt 114.631 triệu USD, tăng 18,3% so với năm 2011; tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu đạt 114.347 triệu USD và tăng 7,1% so với năm 2011. Lần đầu tiên trong vòng 20 năm, Việt Nam đạt xuất siêu 284 triệu USD kể từ năm 1993.

Tuy nhiên, trên thực tế, các loại hàng hóa nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) - khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên - nhiên - vật liệu… dùng cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu rồi sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu.
Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử; máy tính và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; hàng dệt may, giày dép... lại mang nặng tính lắp ráp gia công, chính vì vậy hiệu quả thu về cho nền kinh tế cũng chẳng đáng bao nhiêu.
Điều này có thể thấy được qua tình hình nhập siêu và tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2000-2012. Có những năm nhập siêu tăng cao song tăng trưởng GDP cũng tăng khá. Nhưng năm 2012, xuất siêu là 284 triệu USD thì tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,03% - thấp nhất trong vòng 12 năm qua.
Xu hướng nhập khẩu và xuất khẩu của khu vực FDI ngày càng lấn lướt khu vực kinh tế trong nước. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước năm 2000 là 52,98%, giảm còn 36,93% năm 2012; khu vực FDI tăng lên tương ứng từ 47,02% năm 2000 lên 63,07% năm 2012. Cơ cấu nhập khẩu cũng có sự thay đổi đáng kể khi mà khu vực kinh tế trong nước phải “nhường” 24,9% thị phần cho khu vực FDI trong giai đoạn 2000-2012.
Điều này dẫn đến một thực tế là dù tổng sản phẩm trong nước (GDP) có tăng trong ngắn hạn nhưng ngày càng làm giảm tổng thu nhập quốc gia (GNI) và quá trình chuyển đổi cơ cấu về sở hữu đang âm thầm diễn ra? Khu vực kinh tế FDI dù có tạo ra được một phần giá trị tăng thêm để tính vào GDP nhưng không phải toàn bộ số đó người dân Việt Nam được hưởng mà phần lớn phải chi trả sở hữu cho quốc gia khác. Do đó, chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp FDI cũng cần xem xét lại.

GS-TS NGUYỄN QUANG THÁI, CỐ VẤN KINH TẾ:

Chăm lo nhiều hơn cho người nghèo

Sáu giải pháp trọng tâm trong thông điệp đầu năm của người đứng đầu Chính phủ có nêu vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đồng thời đề cao nhiệm vụ “phải tập trung đẩy mạnh giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ các đối tượng cận nghèo và những hộ vừa thoát nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững”. Đây là quan điểm đúng đắn, được người dân quan tâm.

Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ mới cho 23 huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao cũng như nhiều chính sách cụ thể hỗ trợ người dân dọc các tỉnh biên giới, hải đảo. MTTQ Việt Nam và các nhà hảo tâm ngay trong điều kiện khó khăn cũng đang cùng Nhà nước có nhiều cách thiết thực hỗ trợ người nghèo và cận nghèo. Chủ trương tiếp tục dành ưu tiên cho những người có công với nước, bảo đảm có mức sống không thấp hơn mức trung bình của dân cư trên cùng địa bàn phải là hướng phấn đấu của mọi địa phương và cả nước.

Với yêu cầu “coi trọng phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng tái định cư, bảo đảm cho đồng bào ta có cuộc sống ổn định, tiến tới phải tốt hơn nơi ở cũ, coi đây là tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả tổng thể của bất kỳ một dự án đầu tư nào có gắn với thu hồi đất và tái định cư dân trong vùng dự án”, chúng ta phải rút kinh nghiệm về việc thực hiện chưa tốt nhiều dự án đã ảnh hưởng tới dân để giải quyết thấu đáo chủ trương này, phù hợp với điều kiện từng địa phương.


Nguồn: nld.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét