Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Tìm hiểu “con rồng” J-10 của TQ áp sát Senkaku/Điếu Ngư

(Kienthuc.net.vn) - Tiêm kích đa năng J-10 là một trong những thành tựu quân sự tốt nhất của nghành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Tiêm kích đa năng J-10 (phương Tây đặt biệt danh “Vigorous Dragon – con rồng hùng mạnh) do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thành Đô (CAC) Trung Quốc thiết kế và sản xuất trang bị chủ yếu cho Không quân Trung Quốc.

Sao chép máy bay Mỹ-Israel

Chương trình phát triển J-10 được bắt đầu từ giữa những năm 1980 nhằm tạo ra một loại tiêm kích mới đối trọng với tiêm kích MiG-29 và Su-27 của Liên Xô. Mục đích ban đầu khi phát triển J-10 là nhằm thiết kế máy bay không chiến mạnh nhưng sau đó chuyển thành tiêm kích đa năng có thể đảm nhiệm vai trò chiến đấu không đối không và không đối đất.

Thông thường các chương trình phát triển máy bay của Trung Quốc đều có sự sao chép công nghệ từ nước ngoài. Và J-10 không nằm ngoài ngoại lệ đó. Theo một số nguồn tin, Pakistan có thể đã cung cấp cho phía Trung Quốc một chiếc tiêm kích F-16A/B (Mỹ sản xuất) để nghiên cứu công nghệ.

Mẫu thử J-10 bay thử nghiệm trên khu vực sa mạc Gobi, phía góc phải ảnh là tiêm kích
IAI Lavi.

Ngoài ra, Israel có thể đã cung cấp công nghệ từ dự án tiêm kích hạng nhẹ IAI Lavi (bao gồm thiết kế khí động học và hệ thống điều khiển bay “fly-by-wire”) cho phía Trung Quốc. Chẳng thế mà kiểu dáng của J-10 với tiêm kích Lavi có nhiều nét tương đồng.

Sau gần 15 năm phát triển, ngày 22/3/1998, mẫu thử nghiệm J-10 cất cánh thành công lần đầu. Sau đó, có thêm 5 mẫu thử được sản xuất để thử nghiệm tính năng và đánh giá công nghệ. Tới năm 2004, J-10 chính thức được chấp nhận đưa vào phục vụ trong Không quân Trung Quốc. Tính tới năm 2012 đã có khoảng 300 chiếc J-10 hoạt động.

Thiết kế hiện đại

J-10 có chiều dài 15,49m, cao 5,43m, sải cánh 9,75m, trọng lượng cất cánh tối đa 19,2 tấn. Máy bay được chế tạo chủ yếu bằng vật liệu hợp kim nhôm và vật liệu composite nhằm tăng sức bền và trọng lượng nhẹ hơn.

Thiết kế khí động học của máy bay theo kiểu cánh tam giác liền đuôi với cặp cánh nhỏ ở mũi. Với thiết kế này, máy bay “lược bỏ” cánh đuôi ngang, thay vào đó chỉ còn tồn tại cánh đuôi đứng ở trên thân và 2 cánh nhỏ dưới phần thân đuôi máy bay cung cấp sự ổn định cho máy bay.

J-10 với thiết kế cánh mũi.

Kiểu thiết kế cánh mũi đem lại sự linh hoạt cao hơn và tốc độ lớn hơn cho máy bay. Hiện nay, ngoài J-10 thì một số tiêm kích thế hệ thứ 4 trên thế giới cũng thiết kế cánh mũi như Eurofighter Typhoon (châu Âu), Dassault Rafale (Pháp), JAS-39 Gripen (Thụy Điển), Su-30MKI (Nga).

Cửa hút không khí cho động cơ hoạt động có hình chữ nhật nằm dưới bụng máy bay, nó được gia cố với phần thân bằng 6 thanh kim loại nhỏ. Thiết kế này tạo ra khoảng trống lớn giữa cửa hút khi và phần thân trước khiến máy bay dễ mất ổn định khi bay tốc độ cao.

Buồng lái phi công nằm ở ngay trên của hút không khí và phía trước cánh mũi. Nắp buồng lái theo kiểu phồng bọt đôi giúp phi công quan sát toàn cảnh, một điểm quan trọng trong chiến đấu không đối không.

Tương tự các loại tiêm kích thế hệ thứ 4 trên thế giới, trang bị trong buồng lái J-10 rất “tiện nghi” giúp phi công nhanh chóng nắm bắt tình trạng máy bay, vũ khí.

Bên trong buồng lái lắp 3 màn hình tinh thể lỏng cho phép phi công xem dữ liệu bay, tình trạng vũ khí, thông tin mục tiêu. Ở trước mặt phi công lắp một màn hình HUD hiển thị dữ liệu bay và thông tin mục tiêu. Phi công có thể được trang bị thêm hệ thống hiển thị mục tiêu gắn trên mũ bay cho phép phản ứng nhanh trong không chiến.

Cửa hút không khí gắn kết với phần thân bằng 6 thanh kim loại.

Về hệ thống điện tử hàng không mà quan trọng nhất là radar điều khiển hỏa lực của máy bay thì trong suốt những năm qua, Tập đoàn Thành Đô (CAC) tuyệt đối không hề tiết lộ chi tiết loại radar. Họ chỉ cho biết J-10 trang bị một loại radar có khả năng theo dõi 10 mục tiêu và dẫn tên lửa đối không tiêu diệt 2-4 mục tiêu cùng lúc.

J-10 trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AL-31FN (Nga) cho phép đạt tốc độ tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh ở trần bay cao, bán kính tác chiến 550km, trần bay 18.000m.

Hiện, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển và hoàn thiện động cơ tuốc bin phản lực WS-10 để trang bị cho J-10 nhằm giảm phụ thuộc vào Nga về động cơ – “nút thắt” của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

Hỏa lực đa năng

Mục tiêu thiết kế ban đầu của chương trình phát triển J-10 là muốn tạo ra tiêm kích chiến đấu không đối không. Tuy nhiên, sau này Trung Quốc chuyển hướng biến nó thành tiêm kích đa năng J-10 đảm nhiệm cả vai trò không đối không và không đối đất.

J-10 trang bị một pháo 2 nòng cỡ 23mm nằm trong phía phái bộ phận càng bánh đáp trước. Loại pháo 23mm nặng 50,5kg, dài 1,53m, tốc độ bắn 3.000-3.400 phát/phút. Đây là vũ khí hữu dụng để tấn công mục tiêu cự ly gần, ở tầm tên lửa khó phát huy hiệu quả cao nhất.

Tiêm kích J-10 mang 2 tên lửa đối không tầm ngắn PL-8 và 2 tầm trung PL-12.

Trên cánh và thân máy bay có 11 giá treo (6 trên cánh, 5 dưới thân) mang được 6 tấn vũ khí các loại dành cho nhiệm vụ không đối không và không đối đất:

- Trong nhiệm vụ đối không chiến đấu ở cự ly gần J-10 mang được: 4 tên lửa đối không tầm trung PL-11/12, 2 tên lửa đối không tầm ngắn PL-8 và một thùng dầu phụ 800 lít.

- Trong nhiệm vụ đối không chiến đấu ở cự ly xa J-10 mang được: 2 tên lửa tầm trung PL-11/12, 2 tên lửa tầm ngắn PL-8, 2 thùng dầu phụ 1.600 lít và một thùng 800 lít.

- Trong nhiệm vụ tấn công mặt đất thì J-10 mang được: 2 tên lửa tầm ngắn PL-8, 6 bom 250kg (hoặc 2 bom 500kg), 2 thùng dầu phụ 1.600 lít và 1 thùng dầu loại 800 lít. J-10 có khả năng mang tên lửa không đối hạm YJ-9K, tên lửa chống radar PJ-9, bom hàng không có điều khiển.
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:

Nguồn: kienthuc.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét