Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Facebook 2012: Ồn ào chyện đời thực trên mạng ảo

Năm 2012, tính tương tác và sức lan tỏa của Facebook đã hấp dẫn nhiều người lên mạng xã hội ảo này “chém gió”, bày tỏ quan điểm về những vẫn đề nóng hổi mà đôi khi người ta không được dịp nhắc đến trong cuộc sống thực.

Bức ảnh chụp các fan nam ôm nhau khóc khi T-ara sang Việt Nam



Hãy cùng điểm lại những câu chuyện được bàn tán ồn ào nhất trong cộng đồng Facebook Việt Nam trong suốt 12 tháng qua.

Fan “cuồng” Kpop

Năm 2012, fan “cuồng” Kpop và văn hóa thần tượng đã trở thành vấn đề nhạy cảm gây tranh cãi nhiều nhất về giới trẻ hiện đại.

Những thông tin, hình ảnh không đẹp của một bộ phận những người trẻ trong mỗi sự kiện sao Hàn đến Việt Nam biểu diễn: khóc lóc, vật vã đón thần tượng ở sân bay, phóng nhanh vượt đèn đỏ để đuổi theo xe thần tượng, hay thậm chí “hôn ghế” thần tượng ngồi… được báo chí đăng tải đã làm cho rất nhiều người cảm thấy “chướng tai gai mắt”.

Có thể tạm chia những ý kiến tham cuộc gia tranh luận ồn ào về văn hóa thần trên mạng xã hội Facebook thành ba luồng. Một luồng kịch liệt phê phán những bạn trẻ, những fan “cuồng” Kpop quả thực đáng xấu hổ khi vung phí thời gian, tiền bạc, nước mắt cho những điều điên rồ, sống không có lý tưởng.

Luồng thứ hai cương quyết biện minh rằng tuổi trẻ có đam mê, sống hết mình vì một đam mê hoàn toàn không phải là cái tội. Chỉ có người chưa từng hâm mộ bất cứ một thần tượng nào mới đánh giá hà khắc, sai lệch về họ. Đồng thời thẳng thắn bày tỏ họ vẫn sống đủ tốt, không đáng để một bộ phận xã hội lên án hết sức nặng nề như vậy.

Và cuối cùng là luồng ý kiến dung hòa, đồng ý phê phán những hành động hâm mộ mê muội, nhưng cho rằng đó chỉ là một bộ phận nhỏ, không quy chụp thành cách ứng xử của cả một thế hệ trẻ. Người đi trước nên có cái nhìn bao dung hơn với những hành động nông nổi của tuổi trẻ. Còn những người ở thế hệ sau phải có định hướng đúng đắn hơn để tuổi trẻ không trôi qua phí hoài.

Những hình ảnh “xấu xí”

Từ đầu tháng 5 – 9.2012, mạng xã hội Facebook liên tục dạy sóng với những bức ảnh, những clip ghi lại khoảnh khắc không đẹp, hành động phản cảm trong đời sống thường nhật.

Bức ảnh chụp cô gái bị đánh trên phố Hàng Mã dịp gây xôn xao trong dịp Trung thu 2012

Loạt ảnh nhóm thanh niên hả hê tra tấn man rợ những con voọc quý hiếm; hai cô gái và một nam thanh niên hết đứng lại ngồi tạo dáng trên đầu rùa đá ở Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội); thiếu nữ tự rạch đùi… đã gây nên những cuộc tranh luận gay gắt về đạo đức, lối sống, tâm lý bất ổn của giới trẻ.

Trong khi đó, hình ảnh tương phản giữa những người đẹp được ngồi trang trọng, còn các cụ già thì ngồi lom khom trên ghế nhựa trong một buổi tử thiện ở Long An, ảnh đánh nhau ở phố Hàng Mã (Hà Nội) dịp Trung thu, clip ăn buffet kiểu tranh cướp ở TP HCM… lại được cho là những ví dụ điển hình cho văn hóa công cộng khó chấp nhận của một bộ phận người Việt.

Nạn nói tục của người trẻ

Với rất nhiều bạn trẻ, chuyện văng tục trở thành thứ ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Đáng buồn hơn, họ còn cảm thấy thích thú với việc lên Facebook chửi bới để thỏa cơn bất mãn, bực bội ai đó. Mặc cho người bị họ tổng sỉ vả có thể là bố mẹ, là ông bà, hay thầy cô.

Dòng mắng chửi thậm tệ của cô nàng trên Facebook

Không chỉ xuất hiện status, comment dùng ngôn ngữ tục tũi, mà hàng loạt hội thích chửi bậy như: “Hội những người thích nói tục”, “Hội những người chửi bậy tứ tung nhưng tôn sùng thánh thiện”, “Hội những người chửi bậy nhưng không hề mất dạy”, “Hội những người thích chửi bậy bằng tiếng Anh”, “Cẩm nang chửi bậy”... cũng ra đời.

Không thể phụ nhận nhận thức lệch lạc, tâm lý a dua ở tuổi mới lớn, cộng thêm việc gia đình và nhà trường lơi là quản lý, giáo dục đã để vấn nạn nói tục ngày càng thêm nhức nhối. Cùng với ngôn ngữ “xì tin”, vấn nạn chửi bậy ở người trẻ đang tiếp tục làm xấu xí tiếng Việt.

Người ngoại tỉnh làm “bẩn” Hà Nội

Đầu tháng 7, cư dân Facebook bức xúc bàn tán về bài phỏng vấn trên một trang tin được cho là của một phụ nữ trung niên Hà Nội, chỉ trích cách sống của dân ngoại tỉnh đã làm “bẩn” Hà Nội.

Những nhận định một chiếu, phê phán gay gắt và có phần “vơ đũa cả nắm” của người phụ nữ thể hiện trong bài báo này đã lan truyền trên Facebook với tốc độ chóng mặt, gây ra một làn sóng phẫn nộ cho rất nhiều người.

Những bình luận về phát ngôn “người ngoại tỉnh làm bẩn Hà Nội” trên Facebook

Tuy nhiên, sau đó, chính người phụ nữ được cho là chủ nhân của những phát ngôn gây sốc đã lên tiếng xác nhận bản thân cô không hề dùng lời lẽ xúc phạm hay có ý phê phán người ngoại tỉnh. Đồng thời khẳng định phóng viên viết bài đã cố ý gọt sửa lại câu trả lời của cô nhằm gây thị phi.

Cư dân mạng bắt đầu đặt ra hàng ngàn câu hỏi về tính chân thực của nội dung bài báo. Điều đáng nói, bài báo có tính “kích động” nói trên không phải “sự cố” duy nhất trong báo chí, đặc biệt là mảng báo mạng, khiến dư luận cảm thấy mất niềm tin vào những tin, bài, phóng sự… mà họ vẫn đọc hàng ngày.

Ngược đãi và mẫu thuẫn gia đình

Vụ việc ông cụ 80 tuổi bị con cái “vứt” ra nằm vỉa hè là một trong những sự kiện “nóng” nhất trên Facebook trong năm 2012. Hàng loạt fanpage Facebook đã đăng tải lại hình ảnh xót xa này. Hàng nghìn dân mạng đã nhấn nút share, gửi phản hồi chia sẻ sự thương xót cảnh ngộ của ông cụ, đồng thời lên án dữ dội hành động bất nhân của các con ông.

Cư dân mạng xót xa trước hình ảnh cụ ông bị con cái ngược đãi

Làn sóng phẫn nộ trong cư dân mạng Facebook về vấn đề gia đình lại tiếp tục dâng cao với một vụ bạo hành ở Hà Nội, khi bố và con trai được cho là đã cùng hùa vào hành hung mẹ.

Rất nhiều cư dân mạng có cùng quan điểm rằng hai vụ việc đau lòng nói trên đã “báo động đỏ” về sự tan rã của những mối quan hệ gia đình và sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của một số người.

Hôn nhân đồng tính

Tháng 6.2012, khi thông tin Bộ Tư pháp dự kiến trưng cầu ý kiến để sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, xem xét thay đổi điều khoản nghiêm cấm những người cùng giới kết hôn lan tỏa, ngay lập tức, hôn nhân đồng tính trở thành đề tài bàn tán rôm rả của cư dân mạng.

Một fanpage Facebook kêu gọi ủng hộ hôn nhân đồng tính

Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới cho rằng luật pháp và xã hội cần tôn trọng và bảo vệ rằng quyền sống bình đẳng, được tự do yêu thương và kết hôn của người đồng tính.

Trong khi đó, những ý kiến phản đối lại thẳng thắn bày tỏ rằng chưa phải thời điểm thích hợp để hôn nhân đồng tính được công nhận tại Việt Nam. Bởi, suy nghĩ và lối tư duy của người Việt còn quá “đậm đà” thuần phong mỹ tục.

Điển hình như chuyện coi trọng trinh tiết, bình đẳng giới hàng trăm năm nay vấn còn gây tranh cãi, huống chi là một vấn đề xã hội mới xuất hiện được vài chục năm và còn đang rất “nóng” trên phạm vi toàn cầu.

Người đưa tin


Nguồn: thebox.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét