Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Bà mẹ chồng cuồng tín lý giải tục cắn đốt tay con

(Nguoiduatin.vn) - "Từ xưa đến nay, gia đình tôi vẫn giữ tục lệ: Nếu một người mẹ mà bị sảy thai, hoặc sau khi sinh, con bị mất, thì lần sinh sau phải cắn đốt ngón tay của đứa con rồi nuốt luôn", bà Lâm Thị H. nói.

"Kinh nghim"... ba đi?

Bà Lâm Thị H., ở xã Hải An, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, mẹ chồng của sản phụ cắn 2 đốt tay con tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai lý giải: "Làm như vậy mới giữ được con để nuôi. Sở dĩ gia đình tôi có tục lệ ấy là bắt đầu từ mẹ tôi, năm nay đã đã 92 tuổi. Lúc trẻ bà sinh mấy người con nhưng đều không nuôi được.

Sau đó, bà được người khác bày cho cách ấy. Do vậy, những lần sinh sau các con bà đều khỏe mạnh. Bản thân tôi không bị mẹ cắn đốt ngón tay, nhưng chị gái của tôi thì bị cắn. Trong họ hàng anh em tôi có đến 5 - 6 người lúc mới sinh ra đều bị cắn đốt ngón tay như vậy".

Bà H. lý giải: "Gia đình tôi quan niệm một phụ nữ mới mang thai lần đầu mà bị sẩy, hoặc lúc mới sinh lần đầu mà trẻ bị chết thì tất cả các lần sinh sau đều rơi vào tình trạng con bị chết, không thể nuôi được.

Những phụ nữ rơi vào tình trạng này, để cắt đứt dòng “tử” trong việc sinh con, sau này khi sinh những đứa sau, dứt khoát phải cắn đốt ngón tay trỏ của con, rồi nuốt luôn vào bụng. Có như vậy mới giữ được con để nuôi. Việc làm đó có ý nghĩa là người mẹ chặt đứt cái chết của con rồi, "ma" không thể bắt được đứa trẻ đó nữa.

Ông Lâm Ngọc Thanh (bên phải), công an viên của xã Hải An, đồng thời là hàng xóm của gia đình bà H..

Làm như vậy không chỉ giữ được mạng sống cho con, mà đứa trẻ đó còn phát triển khỏe mạnh, vượt trội hơn những đứa trẻ không bị mẹ cắn đốt ngón tay trỏ. Trong họ hàng anh em tôi, những người khi mới sinh ra được mẹ cắn đốt ngón tay trỏ, hiện tại đều học giỏi, đều đậu vào các trường đại học. Không phải khoe, chứ ở trong xã này, anh em con cháu của tôi có nhiều người học cao vào loại nhất", bà H. tự hào .

"Khi chặt đứt được cái vía tử, thì dòng sinh mới phát huy được. Nếu người mẹ không làm như vậy, chắc chắn không giữ được đứa con nào cả, các bé sẽ bị vía bắt đi hết. Như tôi đây này, khi sinh hai đứa con trai là Lê Đình D. (SN 1980) và Bùi Văn Đ. (SN 1985), tôi đều phải cắn đốt ngón tay của chúng. Hai đứa con tôi lớn rất nhanh, béo khỏe, to cao. Cả hai thằng con của tôi bây giờ đều cụt một đốt ngón tay trỏ. Nếu không muốn cắn đứt đốt ngón tay trỏ, người mẹ có thể cắn đốt ngón chân út của con cũng được.

Nhìn chung, nếu những đứa trẻ nào lúc mới sinh ra, được mẹ cắn đốt ngón tay trỏ hoặc đốt ngón chân út thì sống khỏe mạnh, thông minh hơn những đứa trẻ không được cắn. Việc mẹ cắn xong, rồi nuốt luôn đốt ngón tay đó mang ý nghĩa là mẹ đã ăn cái vía tử cho con, nên không có ai "ăn bóng" con được nữa. Vì thế, con sẽ sống khỏe mạnh. Trường hợp nếu không muốn cắn đốt ngón tay hay ngón chân của con, thì từ lúc sinh ra phải gửi con lên chùa để giải vía", bà H. cho biết thêm.

Nói đến đó, bà H. vui vẻ khoe với chúng tôi: "Vừa rồi vợ thằng D., con trai đầu của tôi sinh con trong bệnh viện đa khoa Đồng Nai, tôi có gọi điện vào bảo với con dâu là muốn giữ con để nuôi thì ngay sau khi sinh cháu ra, mẹ phải cắn đốt ngón tay trỏ của cháu và nuốt luôn.

Vì hơn một năm trước, con dâu tôi có sinh được một cháu gái đầu lòng, nhưng chỉ được 9 ngày là cháu mất. Lần này, trước khi con dâu đi đến bệnh viện sinh con, tôi bảo nó phải làm thế. Tuy nhiên, con dâu của tôi đã không cắn đứt được đốt ngón tay trỏ trái của cháu để nuốt, vì trong khi đang cắn thì bị các bác sỹ của bệnh viện phát hiện, can ngăn".

Trong lúc bà H. đang kể về tục lệ của gia đình, đứa con gái của anh D. với vợ đầu đi học về (cháu học lớp 5), chúng tôi liền hỏi: “Cháu có bị mẹ cắn đốt ngón tay không?”. Con gái anh D. hồn nhiên trả lời: "Con gái không bị cắn, chỉ có con trai mới phải cắn đốt ngón tay như bà nội cháu nói thôi các chú à".

Bà H. kể về tục lệ khủng khiếp của gia đình

Chính quyn xã phđnh thông tin

Trước khi tìm đến nhà bà H., chúng tôi đã đem câu chuyện xảy ra tại Đồng Nai kể cho ông Nguyễn Bá Linh, Phó chủ tịch UBND xã Hải An. Nghe xong câu chuyện, ông Linh cho biết: "Xã chúng tôi 100% là người dân tộc kinh. Trên địa bàn xã không có bất cứ một tôn giáo hay tín ngưỡng nào trú đóng. Vì vậy, tôi khẳng định ở xã chúng tôi không có những tập tục lạc hậu đó. Sự việc xảy ra với đứa con trai mới sinh của anh Lê Đình D., bây giờ chúng tôi mới được nghe các anh (PV) kể lại.

Chúng tôi khẳng định, anh D., là con trai đầu của bà Lâm Thị H., người ở thôn 3, xã Hải An, nhưng chúng tôi chắc chắn rằng, gia đình bà H. không có tục lệ ấy. Từ trước tới nay, chúng tôi chỉ mới biết trường hợp ông Dậu, một người trong xã có bị mẹ cắn một chút ở đầu ngón tay, chứ làm gì có tục mẹ cắn cả đốt ngón tay của con mới sinh như vậy được.

Hiện tại, xã chúng tôi đã phổ cập bậc THCS xong rồi. Cả xã có đến 30% học sinh học hết cấp 3 đậu vào đại học, cao đẳng, còn lại thì đi học nghề. Trong số 207 cháu mầm non ở xã không có trường hợp nào bị mẹ cắn đốt ngón tay. Anh Lê Đình D. học hết tiểu học, rồi đi làm lao động tự do. Lúc còn ở địa phương, anh D. thường có biểu hiện tâm lý không ổn định, đi chơi ban đêm hay la hét. Anh D. bị cụt ngón tay và mù một con mắt là do tai nạn lao động khi đang ở tại địa phương".

Trao đổi với chúng tôi, ông Lường Hữu Nga, Phó trưởng công an xã Hải An cho hay: "Anh D., con bà Lâm Thị H. lúc ở nhà là một người nghiện ngập rượu chè, hay đánh đập vợ. Do đó, vợ đầu của anh D. là chị Trần Thị H., người ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, hiện đã sống ly thân với anh D.. Anh D. và chị H. xây dựng gia đình với nhau có được một đứa con gái hiện đang học lớp 5, lớp 6 gì đó. Cháu đang ở cùng với gia đình bà H.. Anh D. bị cụt một đốt ngón tay là do tai nạn lao động, còn một con mắt của anh ấy bị mù là do bị đau mắt đỏ".

Ông Lâm Ngọc Thanh, công an viên của xã tại thôn 3 nhận định: "Sau khi vợ đầu của anh D. sống ly thân, anh D. đã ở với chị Đỗ Thị S., người ở xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia. Khoảng hơn một năm trước, chị S. có sinh được một cháu gái, nhưng cháu bị mất rồi. Hiện tại, anh D. và chị S. đang đi làm thuê ở trong Đồng Nai".

Câu chuyện bà mẹ trẻ cắn đứt ngón tay con trai vì một quan niệm xa xưa trong những ngày qua gây bất ngờ cho rất nhiều người. Thực ra, một số người dân do trình độ dân trí thấp hoặc cuồng tín tin vào những quan niệm mù quáng là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều chúng tôi khá bất ngờ lại cách phản ứng của chính quyền xã trước sự việc này. Hy vọng các cấp chính quyền ở Thanh Hóa nên tìm hiểu kỹ sự việc và sớm có biện pháp tuyên truyền không để tình trạng này tái diễn.

Văn Cương


Nguồn: nguoiduatin.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét