Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Có những người phụ nữ như thế!

 Từ lâu, khái niệm phụ nữ Việt Nam bất khuất, trung hậu, đảm đang như câu cửa miệng mỗi lần khen các bà, các chị. Thế nhưng, ngày nay, nhất là ngày 8/3, dường như khái niệm trên đã phai mờ mà thay vào đó là những hot girl xinh đẹp, không cần đảm đang, trung hậu nhưng vẫn được tôn vinh, vậy những người phụ nữ bất khuất ấy giờ ở đâu?. 

Đến thăm đại tá – bác sĩ Nguyễn Ngọc Toản, nguyên chủ nhiệm khoa sản bệnh viện 108 và hiện là nhà hoat động tích cực cho vấn đề chất độc màu da cam, vào sáng ngày 8/3/2013, trong căn phòng nhỏ tại khu tập thể số 1 Lê Thánh Tông, chúng tôi đã được hòa vào không khí thanh bình nhưng cũng rất sôi nổi của những người phụ nữ cùng tham gia hoạt động Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin.

Dù họ không còn trẻ trung, tất cả đã đều ở tuổi nghỉ hưu lâu rồi, nhưng khác hẳn với vẻ bề ngoài của những người bà, người mẹ giản dị, trầm lắng, mọi người bàn thảo say mê về những hoạt động của hội, báo tin mừng cho nhau về trường hợp một bé nào đó được bảo trợ đã đạt giải thưởng, hoặc thông báo tin buồn của một nhà bảo trợ bên Pháp vừa qua đời.

Cuộc nói chuyện của họ còn sôi nổi hơn, và khiến người viết thấy thú vị là tất cả các bà đều nói tiếng Pháp rất trôi chảy, nhất là khi một nhà nhiếp ảnh người Pháp, ông Daniel, vốn là một giáo viên nghỉ hưu, vì yêu quý Việt Nam nên đã trở thành nhiếp ảnh gia ghi lại cuộc sống nơi đây với nhiều góc nhìn khác lạ, nhân văn, đến thăm họ. Đặc biệt, Daniel đã có những bộ sách ảnh đóng góp hình ảnh chân thực về những hoạt động của Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin, nhưng không phải để gợi lên nỗi đau mà là cái nhìn bình thản về cuộc sống của các nạn nhân lẫn những con người đứng ra giúp đỡ họ.

Qua các câu chuyện trao đổi rất rôm rả này, người viết cảm nhận được sự bình dị, niềm vui, sự hạnh phúc được giúp đỡ người khác bằng tấm lòng trung hậu của các bà tại đây như là việc cần có của cuộc sống, bởi hội hoạt động phi lợi nhuận, những người tham gia đều không nhận lương.

Đối với họ, mỗi trường hợp nạn nhân được bảo trợ dù chỉ có thay đổi nhỏ theo chiều hướng tốt lên là họ cũng đã có niềm vui chung. Họ trầm trồ, khâm phục và có cả rơm rớm nước mắt khi kể về trường hợp của những đứa trẻ rơi vào hoàn cảnh ấy vươn lên sống tốt với cuộc sống ra sao. Nào là cô Quyên, sinh năm 1975, hiện sống tại Sài Gòn, sinh ra đã không tay không chân, nhưng mọi hoạt động đều làm thành thạo, thậm chí còn tốt hơn và nhanh hơn người thường. Dù không tay nhưng cô có thể xâu kim, giặt quần áo, thậm chí cả đếm tiền cũng rất nhanh nhẹn. Rồi em Chu Quang Đức ở Hà Tây, dù chân tay teo lại, phải ngồi xe lăn, nhưng vẫn học xong đại học và tình nguyện trở thành giáo viên đi dạy thêm miễn phí…

Và hơn hết là trong buổi sáng nay, sự có mặt của Khánh Vân, một cô gái xinh xắn sinh năm 1983, một nạn nhân chất độc da cam, người đã giành nhiều giải về thể thao lẫn các giải thưởng liên quan đến báo chí dù bị khiếm thị, cũng khiến các bà “xuýt xoa” như với những thành tích của chính đứa cháu mình, vì “lũ trẻ giỏi quá, nỗ lực quá!”. Thậm chí, họ còn không để tâm đến rằng, thành quả mà các bạn trẻ đạt được, trong đó cũng có rất nhiều công quan tâm, dẫn dắt và kết nối các nạn nhân với những nhà bảo trợ cá nhân tại Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ và nhiều nước trên thế giới của họ, để mở cho các em một tương lai tương sáng hơn: Bạn nào còn đủ năng lực thì được tài trợ cho đi học đến năm 17 tuổi. Bạn nào yếu sức khỏe thì được bảo trợ để chữa trị…

Dù theo thống kê không sát thực, Việt Nam còn khoảng 4,8 triệu nạn nhân chất độc màu da cam, nhưng theo như bà Tạ Thị Thịnh, đại diện Hội bảo trợ nạn nhân chất độc da cao phía Bắc, cho biết, trong suốt 12 năm qua, hội đã bảo trợ để cải thiện về sức khỏe và năng lực lẫn tinh thần cho gần 700 bạn trẻ trên khắp cả nước.

Con số trên chưa phải là quá lớn, nhưng sẽ là rất lớn đối với những trường hợp cụ thể được bảo trợ. Bởi nói không ngoa rằng, nhiều bạn trẻ như được đổi đời bởi có thể nhìn thấy tương lai và được tiếp thêm nghị lực sống khi sinh ra đã mang bệnh tật thiệt thòi trong người. Tấm lòng nhân hậu của những người phụ nữ đã không uổng, bởi đã ở cái tuổi nghỉ ngơi, họ lại tìm thấy niềm vui sống mới, coi sự giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như một việc cần làm, để tri ân với đồng đội và những người đã khuất. Đối với họ, không cần hào quang, không cần vinh danh, chỉ âm thầm nhưng thiết thực, cụ thể, coi việc mình đang làm không phải để bù đắp nỗi đau mà như đang giúp đỡ những người thân yêu nhất.

Trong căn phòng nhỏ, các câu chuyện bằng tiếng Pháp giữa các bà với nhà nhiếp ảnh Daniel như cách xa với cuộc sống hỗn độn hiện tại. Họ cũng không cần ai tri ân, bởi đối với họ, sống bình thản, bình lặng, giúp ích cho đời một cách thiết thực mới chính là cái họ làm để cảm ơn cuộc sống, cái mà những người đã ngã xuống để dành cuộc sống cho hôm nay. Và đến đây, tôi mới hiểu sự bất khuất, trung hậu, đảm đang chỉ cần giản đơn thế này thôi, không đao to búa lớn gì, dù luôn chỉ là “hậu phương” nhưng trong đời mấy ai mà không dựa vào hậu phương vững chắc để thành công.


http://bigphim.net/xem-phim/hai-xuan-hinh-2013-778.html

http://bigphim.net/xem-phim/than-tai-go-cua-307.html

http://bigphim.net/xem-phim/thien-menh-anh-hung-139.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét