Phát biểu ý kiến trước hơn 200 đoàn đại biểu từ 26 quốc gia và 33 tổ chức quốc tế dự diễn đàn Phát triển và hợp tác Mi-an-ma mới đây, Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên cho biết, Chính phủ Mi-an-ma muốn xây dựng một đất nước hiện đại, công nghiệp hóa và mong muốn cộng đồng quốc tế giúp đỡ để Mi-an-ma hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên. Trong Kế hoạch Phát triển toàn diện quốc gia 20 năm, Chính quyền Nây Pi Đô vạch rõ các lĩnh vực ưu tiên và các chiến lược cải cách, theo đó dành ưu tiên phát triển lĩnh vực nông nghiệp, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, tăng năng suất lao động, tạo việc làm và cơ hội thu nhập; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội, lưới điện và viễn thông. Cải cách hệ thống tài chính cũng như cải thiện hệ thống giao thông công cộng sẽ được chú trọng.
Tổng thống Thên Xên nói, Mi-an-ma hiện vẫn xếp sau một số nước láng giềng trong nhiều lĩnh vực, như tự do hóa thương mại và đầu tư, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và sự minh bạch, do vậy, các tiến trình cải cách tới đây tiếp tục được thúc đẩy. Ông nêu rõ, phát triển kinh tế, xã hội phải đi đôi với hòa bình và ổn định. Tại Mi-an-ma, những cải cách kinh tế sẽ giúp đất nước tiếp tục tiến trình cải cách chính trị nhằm đưa đất nước chuyển sang thời kỳ mới, hiện đại và dân chủ. Trong thời gian tới, Chính quyền Mi-an-ma sẽ khởi động tiến trình đối thoại chính trị với 10 nhóm vũ trang sắc tộc lớn trước đó đã đạt các thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ, đồng thời kêu gọi phiến quân tại bang Ca-chin, nhóm chưa gia nhập tiến trình này, tham gia đối thoại, hòa giải dân tộc.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 3-2011, chính quyền Tổng thống Thên Xên đã thực hiện một loạt cải cách trong nước nhằm thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế đất nước. Hưởng ứng và khích lệ tiến trình cải cách nói trên, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phương Tây, đã đồng loạt nới lỏng hoặc xóa cấm vận áp đặt đối với Mi-an-ma thời kỳ trước cải cách. Đáp lại những chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của Nây Pi Đô, trong đó có Luật Đầu tư nước ngoài (được thông qua cuối năm ngoái), các nhà đầu tư quốc tế đang tỏ rõ sự quan tâm đặc biệt dành cho Mi-an-ma, đất nước có nguồn tài nguyên dồi dào ở khu vực Đông - Nam Á năng động, nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nối lại các hoạt động ở Mi-an-ma sau hơn 30 năm gián đoạn. Thông qua Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Mi-an-ma sẽ nhận một khoản vay bắc cầu khoảng 900 triệu USD để trả khoản nợ chưa thanh toán cho Ngân hàng Thế giới (WB) và ADB. Nhóm các nước cho vay thuộc Câu lạc bộ Pa-ri cũng nhất trí xóa một nửa số tiền cho Mi-an-ma vay. Nhiều nước đề nghị hủy phần lớn khoản tiền mà Mi-an-ma đang nợ, nâng tổng số tiền nước này được xóa nợ lên gần sáu tỷ USD. Từ năm 1987, Mi-an-ma đã dừng thanh toán các khoản nợ quốc tế, khiến nước này không được tiếp tục vay nợ nước ngoài.
Các thỏa thuận vừa đạt được là một bước ngoặt quan trọng đối với Mi-an-ma, giúp nước này thu hút thêm đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao mức sống của người dân.
xem phim peter pan HD
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét