![]() |
Hiện trường vụ đánh bom liều chết nhằm vào Đại sứ quán Mỹ tại An-ca-ra. Ảnh: Roi-tơ |
Theo kênh truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ, vụ việc nói trên xảy ra khi kẻ tấn công liều chết kích nổ một quả bom mang theo người tại một trạm gác gần cửa vào khu xét thị thực của Đại sứ quán Mỹ, nơi hằng ngày luôn có nhiều người qua lại. AFP dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Phran-xít Ri-xi-a-đi-ô-nê (Francis Ricciardione) cho biết thêm, trong số 2 người thiệt mạng bởi vụ tấn công bất ngờ này, có một lính gác người Thổ Nhĩ Kỳ và kẻ trực tiếp thực hiện đánh bom liều chết.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Cảnh sát quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa hiện trường và triển khai các biện pháp cần thiết để bảo vệ tòa nhà Đại sứ quán Mỹ tại An-ca-ra. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ lên án mạnh mẽ vụ đánh bom liều chết, đồng thời khẳng định đây là một vụ "tấn công khủng bố" và giới chức Mỹ đang hợp tác với cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành điều tra. Phó tổng thống Mỹ Giâu Bai-đơn (Joe Biden) nói rằng, kẻ tấn công được cho là thành viên của một "tổ chức khủng bố cánh tả" bất hợp pháp.
Hiện chưa có tổ chức nào lên tiếng thực hiện vụ đánh bom nói trên nhưng rõ ràng đây là một vụ tấn công đã được lên kế hoạch khá kỹ càng. Câu hỏi đặt ra là tại sao vụ đánh bom liều chết lại xảy ra ở trước tòa đại sứ Mỹ, trong khi quanh khu vực Can-cai-a (Cankaya) ở thủ đô An-ca-ra (nơi đặt trụ sở Đại sứ quán Mỹ), còn có khá nhiều công sở và cơ quan ngoại giao của nhiều nước?
Cần phải biết rằng, vụ đánh bom xảy ra chỉ một tuần sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố, ngày 27-1, một khẩu đội tên lửa Patriot của Mỹ đã bắt đầu hoạt động trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Xy-ri. Chính vì vậy, rất có thể vụ đánh bom liều chết nhằm thẳng vào trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại An-ca-ra là hành động phản đối việc quân đội Mỹ và NATO triển khai tên lửa tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây không phải lần đầu tiên cơ quan ngoại giao Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng và trên khắp thế giới nói chung bị tấn công. Tháng 7-2008, ba tay súng và ba cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ cũng thiệt mạng trong một cuộc tấn công ngoài lãnh sự quán Mỹ ở thành phố I-xtan-bun. Gần đây nhất, vào ngày 11-9-2012, đúng vào dịp kỷ niệm 11 năm vụ tấn công khủng bố 11-9-2001, Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Ben-ga-di của Li-bi cũng là mục tiêu của một vụ tấn công khiến Đại sứ Mỹ tại Li-bi Cri-xtô-phơ Xti-vân (Christopher Stevens) cùng 3 nhà ngoại giao khác thiệt mạng. Vụ tấn công này cũng mở đầu cho làn sóng biểu tình chống Mỹ liên quan đến một bộ phim phỉ báng đạo Hồi. Không chỉ tại Li-bi mà các cơ quan ngoại giao của Mỹ tại nhiều quốc gia như Tuy-ni-di, Pa-ki-xtan, I-ran, I-rắc, Y-ê-men, Ai Cập đều bị đặt trong tình trạng báo động bởi những vụ biểu tình, tấn công diễn ra liên tiếp.
Sau tất cả những vụ việc nói trên, Oa-sinh-tơn đã phải gấp rút tiến hành các biện pháp quyết liệt để bảo vệ các nhân viên của mình làm việc tại đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao trên khắp thế giới. Rất nhiều nhân viên ngoại giao của Mỹ tại các nước và gia đình của họ thậm chí đã đưa đi sơ tán hoặc về nước để bảo đảm an toàn. Song song với việc hợp tác với chính phủ các nước nhằm bảo đảm về nhu cầu an ninh, Mỹ cũng tiến hành rà soát lại hệ thống an ninh ở các sứ quán và thắt chặt an ninh ở những nơi cần thiết. Ngay cả Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng phải bắt tay vào cuộc. Bà Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton) khi còn là Ngoại trưởng Mỹ đã từng thừa nhận rằng, các nhà ngoại giao Mỹ tại nước ngoài đang làm “một công việc nguy hiểm".
Cho dù vì lý do gì thì những vụ tấn công nhằm vào các tòa nhà đại sứ quán, lãnh sự quán, các “biểu tượng ngoại giao” của Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác, cần phải bị cộng đồng quốc tế lên án.
ANH VŨ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét