Kết thúc cuộc gặp, ba nhà lãnh đạo đạt thỏa thuận giúp các bên ở Áp-ga-ni-xtan giải quyết một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong nỗ lực hòa giải dân tộc ở Áp-ga-ni-xtan, đó là mở một văn phòng tại Thủ đô Đô-ha, Ca-ta để Hội đồng Hòa bình tối cao Áp-ga-ni-xtan thay mặt Chính phủ Áp-ga-ni-xtan tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Ta-li-ban. Đây là lần đầu các bên đưa ra được một khung thời gian biểu cụ thể để thực hiện quyết tâm của mình, theo đó trong sáu tháng tới sẽ "sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để đạt được mục tiêu nêu trên". Các bên hy vọng, đáp lại thiện chí này, Ta-li-ban sẽ chịu "ngồi" vào bàn đàm phán với thái độ mềm dẻo hơn. Tổng thống Ca-dai lạc quan nói rằng, tình hình tại Áp-ga-ni-xtan hiện được cải thiện hơn so một năm trước, theo đó, mối đe dọa lớn nhất là sự can thiệp của bên ngoài đã được loại trừ; các cuộc đàm phán giữa Chính quyền Ca-bun với Ta-li-ban có tiến triển và quan hệ giữa Áp-ga-ni-xtan với Pa-ki-xtan được cải thiện. Ông nêu rõ, chỉ khi Ta-li-ban đàm phán trực tiếp với Hội đồng Hòa bình tối cao Áp-ga-ni-xtan thì khi ấy tiến trình đàm phán hòa giải dân tộc cho Áp-ga-ni-xtan mới mang lại kết quả, bởi vì, chỉ có người dân Áp-ga-ni-xtan mới là chủ thể của tiến trình hòa bình.
Đây là lần thứ ba các nhà lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và Anh tiến hành họp cấp cao kể từ khi Thủ tướng Ca-mê-rôn khởi xướng khuôn khổ cuộc họp này năm 2012 nhằm củng cố mối quan hệ giữa Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan, hỗ trợ tiến trình hòa giải ở Áp-ga-ni-xtan, đồng thời thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Cuộc gặp ba bên lần này hối thúc Ta-li-ban tham gia tiến trình chính trị vì hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan và cũng vì lợi ích chiến lược của các nước láng giềng Nam Á cũng như nhiều quốc gia khác. Thời gian qua, hàng loạt hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình và hòa giải ở Áp-ga-ni-xtan, nổi bật là các cuộc gặp riêng rẽ của các nhà lãnh đạo cũng như các nghị sĩ của Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan, đã được xúc tiến. Trong các cuộc gặp này, hai bên nhất trí rằng, khi Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014, sẽ tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho cả hai nước, do đó, hai nước cần phối hợp với nhau để biến thách thức thành cơ hội. Nhiệm vụ chung khó khăn nhất là phải ngăn chặn và nhổ tận rễ kẻ thù chung của hai nước, đó là chủ nghĩa khủng bố. Một khi Áp-ga-ni-xtan bị mất ổn định hoặc rơi vào nội chiến thì hậu quả cũng dẫn đến gây bất ổn định nước láng giềng Pa-ki-xtan và ảnh hưởng hòa bình của toàn khu vực.
Bất chấp những quyết tâm và nỗ lực đó, cho đến nay, Ta-li-ban vẫn tiếp tục không tin tưởng vào Chính phủ Áp-ga-ni-xtan và lộ trình hòa bình năm điểm do Tổng thống Ca-dai đưa ra. Lực lượng này cáo buộc chính quyền Ca-bun bị Mỹ thao túng và vẫn từ chối đàm phán với chính phủ. Hãng AP dẫn lời các quan chức nhiều nước phương Tây hiểu biết sâu về tiến trình hòa đàm tại Áp-ga-ni-xtan nhận xét rằng, dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy Ta-li-ban tỏ ra mềm mỏng hơn trước là từ thông điệp trong Ngày lễ Hiến sinh của người Hồi giáo năm 2012, khi thủ lĩnh Ta-li-ban M.Ô-ma ngỏ ý sẽ "không độc quyền và không có ý định mở một cuộc nội chiến" tại Áp-ga-ni-xtan. Trên thực tế, Ta-li-ban kêu gọi thông qua một bản Hiến pháp mới, coi đó là điều kiện để tham gia tiến trình đàm phán hòa bình với chính phủ. Lực lượng này vẫn khăng khăng đòi thành lập một nhà nước Hồi giáo và áp đặt luật Hồi giáo Sa-ri-a hà khắc tại Áp-ga-ni-xtan, một điều kiện không được chính quyền Ca-bun thỏa hiệp.
Theo các nhà quan sát, năm 2013 là năm đầy thử thách đối với Áp-ga-ni-xtan, trong bối cảnh nước này chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử quan trọng vào năm 2014, tiến tới hoàn toàn tiếp quản quyền bảo đảm an ninh đất nước sau khi Mỹ và các đồng minh NATO rút hết quân chiến đấu về nước. Trong khi đó, Ta-li-ban và các nhóm cực đoan khác ở Áp-ga-ni-xtan vẫn đẩy mạnh các hoạt động tiến công khủng bố, liều lĩnh và táo tợn hơn, nhằm giành ưu thế trước bàn đàm phán. Vẫn còn nhiều nghi ngại cho rằng, việc Mỹ và NATO triệt thoái hết quân khỏi Áp-ga-ni-xtan có thể để lại "một khoảng trống an ninh", có nguy cơ đẩy Áp-ga-ni-xtan vào một cuộc nội chiến và nhóm cực đoan Ta-li-ban có thể giành lại chính quyền. Nếu không đưa được Ta-li-ban ngồi vào bàn đàm phán hòa bình thì tiến trình hòa bình, hòa giải ở Áp-ga-ni-xtan vẫn rất mong manh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét