BS Phạm Hữu Văn, Trưởng khoa Nhịp tim, Bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM - cho biết, phần lớn bệnh nhân (BN) bị đột tử do mắc bệnh tim mạch và đột quỵ não (xuất huyết não). Trường hợp đột tử trên chuyến bay có thể do BN sợ hãi, lo lắng khi máy bay đang ở độ cao hay bay qua vùng thời tiết xấu. Vì căng thẳng quá mức, tăng huyết áp có thể dẫn đến co thắt động mạch vành, gây nhồi máu cơ tim và tử vong. Hoặc lúc máy bay cất cánh và hạ cánh, sự thay đổi áp suất không khí có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, gây ra các biểu hiện khó thở cũng dẫn đến đột tử, nhất là ở BN bị hẹp van hai lá. Nguy hiểm hơn khi hành khách đi máy bay có thể mắc bệnh tim tiềm ẩn mà bản thân không biết mình mắc bệnh.
Ảnh minh họa
Bên cạnh các bệnh về tim mạch thì nhồi máu phổi, thuyên tắc động mạch phổi, vỡ các mạch máu lớn, tai biến mạch máu não nặng, dùng tân dược dẫn đến rối loạn nhịp tim… đều có thể gây đột tử. Nhờ trang bị máy móc đầy đủ nên ở một số nước phát triển, nhiều BN thoát khỏi nguy cơ đột tử.
BS Văn đề nghị, ở các sân bay cần trang bị máy đánh sốc điện để điều chỉnh nhịp tim cho BN có nguy cơ đột tử do tim mạch. Ngay trên chuyến bay, phi hành đoàn phải trang bị máy đánh sốc điện và nhân viên hàng không cần có kỹ năng cấp cứu. Trong lịch trình bay nên có một bác sĩ chuyên về tim mạch vì phương pháp cấp cứu cho BN tim mạch hiện nay cũng có nhiều thay đổi; thay vì bóp tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt thông thường, người bệnh cần được ép tim ngoài lồng ngực đúng kỹ thuật với tần số nhanh từ 100 - 200 lần/phút. Việc này có khả năng cứu được mạng sống người bệnh.
Trong quá trình bay, nếu hành khách xuất hiện các triệu chứng: khó thở, tức ngực, lo lắng không kiểm soát, hồi hộp, tim đập quá nhanh hay quá chậm… phải yêu cầu phi hành đoàn trợ giúp ngay. Song song đó, tiếp viên phải thông báo, tìm xem có hành khách nào là bác sĩ không, để hỗ trợ cho người bệnh.
Những người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, người sợ độ cao, bị rối loạn cảm xúc, BN mới vừa phẫu thuật… phải đi khám bác sĩ chuyên khoa để đánh giá nguy cơ bệnh tình trước khi đi máy bay. Nên khám định kỳ sáu tháng/lần để phát hiện sớm bệnh tim mạch.
Xuân Trí
Nguồn: phunuonline.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét